Những điều còn nhớ khi đã về - Đoàn Mạnh Ty

  • PDF.InEmail

NHỮNG ĐIỀU CÒN NHỚ KHI ĐÃ VỀ

Đoàn Mạnh Ty

 

Tôi dạy học tại trường Bán Công Núi Thành từ niên học đầu tiên 2000-2001. Được 6 năm thì nghỉ hưu. Với khoảng thời gian dạy dỗ ngắn ngủi  trong một ngôi trường còn non trẻ, thì những kỷ niệm nếu có, cũng chưa đến độ chín muồi, sâu đậm để có thể đúc kết thành lời; chỉ xin ghi lại vài mẩu chuyện nho nhỏ một thời và một ít cảm nghĩ rời rạc chung quanh ngày tựu trường, những buổi sinh hoạt trường lớp - như là một thứ tình cảm “lưu luyến thuở ban đầu” - đối với trường xưa đồng nghiệp cũ.

Tôi còn nhớ quyết định đề cử đến tay đồng chí tân hiệu trưởng khá muộn, thời gian đến ngày tựu trường không nhiều mà còn bề bộn công việc phải làm để kịp khai giảng. Ưu điểm của đồng chí tân hiệu trưởng trong thời gian này là cái chí tình chí thành muốn làm thật tốt nhiệm vụ được giao. Riêng việc đi lại nhiều lần từ nhà đến Sở để nhận chỉ thị hoặc để hỏi han làm quen công việc sự vụ mới, cũng gây rất nhiều cảm khái nơi chúng tôi! Với tính thăm dò nhạy bén, đồng chí đã mau mắn tìm ra được một kế toán quen việc, mẫn cán, được Sở chấp nhận, để bộ máy nhà trường có thể vận hành khí thế ngay từ thời điểm ban đầu! Đây là công việc vừa tế nhị, vừa mang tính nguyên tắc, không dễ dầu gì đạt được trong một thời gian rất ngắn!

Vào thời điểm đó trên địa bàn huyện, các trường học đều đã ổn định mọi khâu tổ chức để chờ ngày khai giảng, trong lúc đó trường Bán Công Núi Thành đang ở bước đầu xây dựng cơ sở vật chất. Dưới sự gợi ý của Sở và nhờ sự thân quen thắm thiết giữa hai thủ trưởng, trường nhanh chóng mượn được một số phòng ốc tối thiểu của Trung Tâm GDTX để làm cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Rất thú vị, khi nhắc lại một sáng kiến chiêu sinh lớp 10 phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ: thầy Phong đã dùng loa phóng thanh đi khắp toàn huyện để loan tin về sự thành lập ngôi trường mới, điều kiện nhập học, địa điểm ghi danh, ngày giờ khai giảng…Tôi không đoán được bao nhiêu gia đình hiếu học của huyện nhà đã mừng rỡ khi nghe được tin này, vì đã có một giải pháp tối ưu cho con em của họ vào đầu niên học, khi hai trường công lập không còn chỗ tiếp nhận học sinh. Sáng kiến của thầy Phong ít nhiều mang “hơi hướng” làng xã, nhưng được xem là kịp thời nhất trong nhiều sáng kiến. Cái lớn nhất là thầy đã vượt qua chính mình để làm một công việc hồn nhiên đơn giản, có hiệu quả, mà trong khoảng thời gian này lại cần những con người như thế! Về phía thầy giáo và nhà trường cũng mừng thầm vì đã thấy mở ra được nhiều cơ hội cống hiến. Với mô hình cho phép tự thu chi, trường Bán Công Núi Thành lúc đó được xem như là thành tựu thấy rõ khi thực hiện đồng bộ phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” để  xã hội hóa giáo dục.

Buổi họp hội đồng đầu tiên trong ngày khai giảng chỉ có hoa tươi, nước trà thơm trong một căn phòng mượn tạm vừa được sơn quét lại của Trung Tâm GDTX, ngoài năm anh chị em đã dạy lâu năm từ trường Núi Thành chuyển qua còn có thêm một số giáo viên mới ra trường. Chung quanh chiếc bàn rộng đã dùng qua nhiều thế hệ, thầy trò cũ có dịp gặp lại nhau, hàn huyên tâm sự, kỷ niệm cứ lần lượt hiện về, có lúc không ngăn nổi những cảm xúc dâng trào! Qua ánh mắt, tôi đoán được các em đang chờ đợi những giây phút long trọng sắp sửa cử hành - giống như ngày xưa còn đi học, ngồi đội nắng giữa sân trường háo hức đón chờ các vị quan khách khai lễ tựu trường; nhưng bây giờ được ở vị thế khác - một giáo viên - vinh dự  hơn và có trách nhiệm hơn. Chúng tôi cũng đợi chờ thôi, nhưng lại thầm suy nghĩ: đây là dịp tốt nhất để Sở và nhà trường cùng mừng vui sự ra đời của đứa con tinh thần (chưa được mạnh khỏe cho lắm) sẵn dịp trao đổi với nhau những lời hứa hẹn để cùng nuôi dưỡng khôn lớn. Điều giản dị nghe ra hữu tình hợp lý đó, cũng không dễ dàng trở thành hiện thực! Và buổi lễ khai trường năm ấy đã diễn ra âm thầm lặng lẽ, trong không khí…mong đợi ngậm ngùi! Tuy vậy, về phần tinh thần chúng tôi cũng đã được bù đắp lớn hơn, khi có đồng chí Phó Chủ Tịch Huyện đến tham dự. Khi nào cũng vậy, sự ân cần đúng lúc của huyện nhà cũng là niềm động viên lớn lao đối với nhà giáo chúng tôi. Không phải bây giờ, mà trong suốt 30 năm qua, tôi đã cảm nhận được điều đó từ phía lãnh đạo Huyện đối với ngành giáo dục! Hôm đó, chúng tôi cũng đã kịp ghi lại những hình ảnh lưu niệm ấy, không phô trương hoành tráng, mà chân phương, giản dị, như tình người đối xử tử tế với nhau. Nếu cất giữ được lâu, những tấm ảnh đó sẽ trở thành quí hiếm, ghi dấu và phản ảnh được những ngày tháng đầu tiên thành lập trường, và nỗi niềm của những người trong cuộc!

Tiếng trống trường luôn cho ta những cảm xúc bồi hồi xao xuyến; gợi nhớ về một ngôi trường và khoảng thời gian niên thiếu. Ai đã từng một thời đi học, đều có cảm nhận như thế. Âm vang tiếng trống thu không của trường học khi dội vào ký ức, làm thức giấc một vùng kỷ niệm về thầy cô, bạn bè, những giờ học trên lớp. Có thể thật vui, hoặc thật buồn, muôn vàn cung bậc…nhưng tất cả đều đáng nhớ. Một đời người quí báu nhất là lứa tuổi thanh xuân, đẹp nhất là thời đi học, và tiếng trống là tiếng nói và nhịp thở của ngôi trường! Nhiều nhà văn, nhà thơ đã thông qua tiếng trống trường để viết về một tuổi hoa niên đẹp. Tôi còn nhớ trong bài thơ Tiếng Trống Trường của Nguyễn Đức Thắng có đoạn :

Em ơi! Hãy lắng nghe. Tiếng trống vang trong gió. Tiếng đồng vọng ngàn năm. Qua lớp lớp học trò. Như tiếng trống năm xưa. Và ngàn năm vẫn thế. Chuyến đò nào xa lắm.  Cũng chợt thấy bâng khuâng .

Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ. Có những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi. Bàn chân nhỏ băng qua đồng ruộng. Tiếng trống trường giục giã những mùa thi.… Vừa đó thôi đã bao năm cách biệt. Bạn bè ơi! Giờ ở những nơi đâu? Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại. Giữa sân trường ríu rít nắm tay nhau

Đó là những bài thơ hoài niệm đẹp, ẩn một chút xao xuyến, bâng khuâng của tuổi học trò. Và không biết tự bao giờ; trong các áng văn chương người ta đã dùng cụm từ: tiếng - trống - trường - đã - điểm để nói về thời khắc long trọng đáng nhớ của buổi tựu trường. Thế mà, ngày khai giảng niên học đầu tiên 2000-2001, trường THPT Bán Công Núi Thành không có tiếng trống điểm. Đó là điều lạ! Rất lạ! Số là khi mượn tạm các phòng học, Trung Tâm GDTX đã dùng tiếng trống báo hiệu, để tránh sự trùng lặp trường BC Núi Thành không thể dùng thêm tiếng trống. Thay vào đó phải dùng tiếng kẻng! Vì thế cũng có đôi ba chuyện nhiêu khê lẫn lộn của thầy trò của bên này bên kia trong những ngày lên lớp đầu tiên! Dần dà, chúng tôi cũng quen và “định thần’’ theo nhịp trống - kẻng để mau chóng vào ra lớp học.

Chúng tôi nhận được tháng lương đầu tiên đúng kỳ hạn, đó là nỗ lực lớn của kế toán, thủ quỹ, phần hành thu nhận hồ sơ, và tất nhiên của cả đồng chí hiệu trưởng; đó cũng là một tín hiệu mừng của sự ổn định, đã vượt qua giai đoạn khó khăn lúng túng ban đầu! Năm đó, mùa mưa về sớm hơn thường lệ, những trận mưa lớn đầu nguồn dai dẳng trút nước, các con sông cũng đã đổi màu nước vàng đục cuồn cuộn chảy. Ở đồng bằng cũng đã cảm nhận được cái giá rét ẩm ướt len lén trong khí trời. Vào thời điểm đó, cô S. một giáo viên Hóa mới ra trường về nhận công tác, nhà trường ân cần đón tiếp, và được bố trí chỗ ở sát nhà vợ chồng tôi. Sau hai ngày, cô xin phép về nhà để lấy thêm một ít đồ đạc, và có hẹn 3 ngày sau sẽ gặp gỡ hội đồng và nhận giờ dạy. Chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin dữ, cô đã bị nước lũ cuốn trôi khi vượt qua sông Tiên để thăm người bà con ở Tiên Phước. Hôm đó, trời mưa nhiều và buốt lạnh, chúng tôi lặng lẽ nối đuôi đoàn người tiễn đưa cô về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong những năm sau đó, khi đốt nhang xông trầm cung hỷ đêm giao thừa tại trường, tôi và đồng chí hiệu trưởng cũng đã ôn lại kỷ niệm buồn; đáng lẽ phải quên đi, nhưng vẫn cứ nhớ mãi !

Việc học trò nhớ ơn thầy cô giáo là việc phổ biến xưa nay, không những thầy dạy chữ, mà còn thầy dạy nghề. Người xưa đã để lại cho ta một định nghĩa về người thầy rất bao quát “nhất tự vi sư bán tự vi sư” để từ đó đối chiếu với chính mình mà chọn cách hành xử với nhau trong nhân quần xã hội, sao cho đẹp đạo! Biết bao câu chuyện cảm động mà ta từng được chứng kiến, hoặc đọc đâu đó trên mặt báo về câu chuyện nhớ ơn thầy. Có thể là một bó hoa trong ngày 20 -11, một gói trà trong ngày Tết, một câu chào hớn hở, một cái bắt tay nồng ấm của thầy trò cũ mà ta đã gặp đâu đó trên đường đời… Riêng tôi cũng đã từng được nhận mớ khoai, con cá… trong thời bao cấp, khi mà đời sống giáo viên quá khó khăn, từng gây xúc động một thời! Thế nhưng, trong thực tế giờ dạy trên lớp, không ít giáo viên phải đối mặt với những tình huống khó xử, tiến thoái lưỡng nan từ những học sinh cá biệt với lời ăn tiếng nói thái độ không bình thường ngay trong giờ học! Có lần, tôi đã tìm gặp một phụ huynh để thông báo sự chểnh mảng trong học tập của con em, và mong được sự hợp tác từ gia đình. Vị phụ huynh nghe xong và trả lời gọn lỏn: “thế mà tui cứ tưởng chuyện chi ghê gớm lắm, chứ còn chuyện học hành thì hắn từ lâu như rứa rồi!”. Thế mới biết phụ huynh cũng đã gặp nhiều khó khăn trong dạy dỗ, và làm được giáo viên cũng không dễ dàng chút nào!

Niên học 2001-2002, trường đã có cơ sở khang trang. Ngày tựu trường trống vang rộn ràng một hồi ba tiếng, làm nức lòng thầy cô và học sinh toàn trường. Nhìn cơ ngơi trường ốc rộng đẹp, tôi thầm nghĩ như thế là đã …an cư lạc nghiệp được rồi ! Ý nghĩ đó lan truyền trong tôi thật dễ chịu. Thế rồi có nhiều buổi trưa tôi ở lại một mình, nằm nghỉ trên chiếc bàn giáo viên, chờ dạy những tiết buổi chiều, coi trường học như ngôi nhà thứ hai của mình! Và tổ Lý là những người bạn thân thích, không chút so đo, phân biệt. Hằng năm anh chị em trong tổ gặp nhau một lần, cả dâu rể và con cái, không cốt cái ăn cái uống, mà để gặp gỡ, làm quen, nói đủ thứ chuyện, vui vẻ, thân tình; làm nẩy sinh tình cảm gắn bó tốt đẹp giữa các thành viên trong tổ. Đó cũng là cách xả stress, từ những giờ dạy căng thẳng trên lớp, khi góp ý giờ dạy, trong sinh hoạt chuyên môn, và cả trong đời thường. Chính nhờ những lúc giao lưu có tính cách gia đình đó, tình thân ái được tăng trưởng, làm giảm bớt những căng thẳng trong buổi họp chiều thứ năm hàng tuần. Chỉ cần một chút chân tình đối xử với nhau, thì mọi chuyện đều qua đi nhẹ nhàng! Trong 6 năm cuối trước khi về hưu, tôi đã hưởng được những tháng ngày thân tình ấy từ các đồng nghiệp trong tổ, mà trước đây tôi ít cơ hội có được. Đó là điều quí báu để tôi không thể nào quên được tổ Vật lý.

Những người già thường hay nhớ tiếc quá khứ, đong đếm lại những kỷ niệm đã qua. Tôi cũng không là ngoại lệ, vẫn còn thích đọc lại câu tự trào lẩn thẩn về ngành nghề của  mình:  nhà trường - nhường trà, nhường cả hoa - nhòa cả hương, lấy lương hưu để lưu hương! Trước khi thôi việc phấn trắng bảng đen, xa trường xa lớp, tôi vẫn còn nhận được một chút hương hoa dư vị của học trò. Đó là một tập thơ viết tay gửi đến thầy cô của em Đinh Ngọc Hưng - lớp12\8 - niên học 2005-2006. Tôi còn nhớ ngày 20-11-2007, em tìm đến thăm tôi trong căn hộ tập thể, cùng với một bó hoa và một cuốn sổ. Em không nói gì nhiều, và thời gian thăm cũng ngắn. Lớp 12\8 năm đó là lớp tốt, tôi phụ trách môn Vật lý, và năm sau thì tôi về hưu. Rất nhiều lần di chuyển chỗ ở, cho đến khi về quê ở Huế tôi vẫn còn giữ cuốn sổ thơ đó, và nhiều kỷ vật khác, như là một chút hương hoa của một đời dạy học.

Trong bức thư ngỏ, em viết: “ Ba năm rồi đã qua đi một khoảnh khắc ngắn ngủi của đời người nhưng nó đã cho chúng em rất nhiều điều, đủ cho chúng em vững tin vào cuộc sống. Công ơn của thầy cô chúng em không thể nào quên và không biết đến bao giờ mới đền đáp được.”

Trong 15 bài thơ, phần nhiều em viết về công ơn thầy cô, đặc biệt những bài hối hận về những lỗi lầm của tuổi học trò trong giờ học, và mong thầy cô bỏ qua…

Có thể xem bài thơ của Hưng gửi cho các thầy cô giáo khi đã ra khỏi trường như là những hạt giống tốt của tâm hồn, cần được nhân rộng, không nên để lẻ loi, đơn độc một mình. Và biết đâu được, những lời thơ tâm tình đẹp trong sáng đó, khi lan tỏa sẽ có hiệu ứng tốt cho lớp học sinh đàn em sau này.

Niên học 2009-2010, trường PTTH BC Núi Thành, được đổi tên thành trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Huệ, để tiếp tục một đời sống mới, thể hiện một sức sống mới phù hợp hơn. Thế là tên trường cũ đã đi vào quá khứ, và giờ đây, tôi cũng thuộc lớp người đã cũ. Nhân ngày kỷ niệm 10 năm thành lập trường, xin được chia vui cùng hội đồng nhà trường về sự kiện ý nghĩa này.

“ Quang Trung là người vốn tính ham học, dẫu trong can qua bận rộn cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận ý tứ rành mạch, khơi dẫn nhiều điều mà sách vở ngày xưa chưa từng biết

Ngô thì Nhậm trong “ Bang giao hải thoại” đã viết như như vậy về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Xin trích dẫn, kính tặng toàn thể hội đồng nhà trường.

 5K

Số tài khoản ủng hộ Hội khuyến học:
Tên: Trường THPT Nguyễn Huệ
Số TK: 218 201 000 xyz
Tại ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam
DANH SÁCH MẠNH THƯỜNG QUÂN
CỰU GIÁO VIÊN-HỌC SINH ỦNG HỘ

Xem tại đây: Danh sach cơ quan, cá nhân ủng hộ 20/11/2020 và 20 năm thành lập trường.

1. Công ty Hùng Hoàng Hoa: 10.000.000 VNĐ

2. Công ty Tấn Đức-Đà Nẵng: 20.000.000 VNĐ

3. Công ty sắt thép ThànhViệt: 2.000.000 VNĐ

4. Cựu HS Khóa 2000-2003: 6.500.000 VNĐ

5. Cựu HS Khóa 2006-2008: 3.000.000 VNĐ

6. Công ty TNHH gạch Đồng Tâm Nhất Nguyên: 5.000.000 VNĐ

7. Công ty Trầm Hương Hồng Ngọc: 15.000.000 VNĐ

Hội khuyến học nhà trường xin cảm ơn và ghi nhận tình cảm mạnh thường quân, các em Cựu HS. Chúc hạnh phúc và thành đạt!

Liên kết web

Hiện có 39 khách Trực tuyến

Gallery ảnh

Liên kết Portal mới

congelearning
tracnghiemonline1
csdlnganh
qoofice
solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
facebookketnoi
tiengnoihocsinh

Liên hệ

logo_nguyenhue

Thầy Trần Văn Chương - Quản trị mạng
Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
Tel: 0972.889345
Email: tranchuongnt@gmail.com

Thống kê

Các thành viên : 12
Nội dung : 588
Liên kết web : 120
Số lần xem bài viết : 2061230

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS