Giới thiệu về Công đoàn
Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 17 Tháng 11 2014 09:34 Viết bởi Administrator Chủ nhật, 23 Tháng 9 2012 10:28
Chủ tịch Công Đoàn
Ba tháng hè trôi qua nhanh một cách không ngờ. Khi những cánh phượng nở muộn cũng hanh hao sắc đỏ và tiếng ve bất chợt cất lên như một một giọng ca lạc điệu, chúng tôi tựu trường trong nỗi niềm của một cuộc chia tay: chia tay với ngôi trường THPT Núi Thành. Chia tay để đến với một ngôi trường mới mà chính cái tên trường cũng vừa quen vừa lạ: trường THPT Bán công Núi Thành….Những lời chia tay vội vàng, những lời động viên của đồng nghiệp (và cả những cái nhìn ái ngại!) đã tiễn đưa chúng tôi rời xa mái trường thân yêu cũ thêm một cây số nữa để đến với ngôi trường mới.
Năm học 2000-2001 khi chúng tôi đang ngổn ngang với vô vàn công việc vừa mới bắt đầu, thì tất cả phải bàng hoàng với một tai nạn thương tâm của đồng nghiệp. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Sen, giáo viên dạy Hóa vừa mới tăng cường của nhà trường trong lúc về quê dự đám cưới đã bị nước lũ cuốn trôi tại một cây cầu vô danh vùng Tiên Phước. Nhận được tin dữ, trường lập tức cử ngay tôi cùng thầy Lê Hồng Phong lên đường. Giữa cái lạnh giá của thời tiết tháng mười, càng thương hơn người đồng nghiệp bạc mệnh. Ở đâu rồi, Sen ơi, giữa dòng nước mênh mông đục ngầu con sóng. Sau 3 ngày không tìm thấy thi thể đồng nghiệp, hai thầy đành gạt nước mắt quay về. Có lẽ đâu đó trong những lớp sóng trầm phù và hung bạo kia, Sen hiểu nỗi đau của chúng tôi, nên không nỡ để cho cả hai nhìn thấy mà đau lòng thêm nữa. Hai mươi tháng mười một năm ấy chúng tôi lặng yên trong niềm tưởng niệm thành kính.
Rồi năm học 2000-2001 trôi qua cũng thật nhanh, chúng tôi tạm biệt cơ sở trung tâm giáo dục để đến với mảnh đất mới mà Uỷ Ban nhân dân tỉnh và Uỷ Ban nhân dân Huyện dành riêng cho trường: địa chỉ Thôn 8 xã Tam Hiệp- mảnh đất trước đây được sử dụng làm trụ sở hợp tác xã của một thời bao cấp. Bao nhiêu thứ ngổn ngang, cần phải làm lại từ đầu. Trường chỉ mới vừa xong một hạng mục của giai đoạn đầu: 12 phòng học còn ngổn ngang vôi rữa trong cuộc chạy nước rút với thời gian của đơn vị thi công để có chỗ cho thầy và trò chúng tôi kịp năm học mới. Tường rào cổng ngõ chưa có, an ninh trật tự luôn là nỗi lo canh cánh của lãnh đạo và giáo viên nhà trường. Hình như một số người dân ở đây, đặc biệt là một số thanh niên chậm tiến bên ngoài vẫn chưa kịp hiểu nhiều về sự có mặt của chúng tôi. Còn đó những buổi học bị ngắt quãng giữa chừng bởi sự quấy nhiễu của một nhóm thanh niên, bởi tiếng còi tàu hú dài khi chuẩn bị lăn bánh vào ga….Thế là các thầy cô giáo và học sinh nhà trường phải thực sự bước vào một thử thách mới đòi hỏi sự đoàn kết và tinh thần quyết tâm vượt khó. Những ngày tháng đó nếu không đủ lòng nhiệt tình, không đủ bản lĩnh thì chắn chắn chúng tôi sẽ khó lòng thu họach gì nhiều trên một mảnh đất còn nghèo chất phù sa của lòng người. Những cuộc họp toàn thể Hội đồng để quyết định những việc “cần làm ngay”, những dự định táo bạo cho sự định hình của nhà trường được gấp rút tiến hành. Trước đó không lâu, chúng tôi được bổ sung đội ngũ. Về ban giám hiệu, thầy Nguyễn Quang Trung được Sở tăng cường về làm phó hiệu trưởng chuyên môn từ học kì 2 để ổn định nề nếp chuyên môn, Thầy Lương Văn Long đảm nhận chức danh Bí thư đoàn trường để ổn định nề nềp học trò, thầy Trần Quang Trúc đảm nhận công tác Công Đoàn để tăng cường sức mạnh đội ngũ… Sở giáo dục đào tạo cũng hiểu được những khó khăn của chúng tôi nên đội ngũ giáo viên biên chế và hợp đồng cũng được tăng cường nhanh chóng. Từ con số 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên ban đầu bây giờ đã là 17 giáo viên cơ hữu. Bên cạnh đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, giáo viên hợp đồng hùng hậu cũng được mời tham gia giảng dạy (kể cả làm công tác chủ nhiệm). Các tổ chuyên môn cũng được sắp xếp lại cho phù hợp hơn, khoa học hơn. Khó khăn nhất về con người, về chuyên môn xem như tạm ổn, chúng tôi gấp rút tổ chức dạy học. Liền đó là việc phủ xanh khuôn viên trường. Nhiều đợt lao động dọn vệ sinh, chiến dịch trồng cây xanh trong học sinh và giáo viên, được phát động động rầm rộ. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian hai năm của năm học 2001-2002, 2003-2004 màu xanh đã bắn rễ trên mảnh đất khô cằn. Những hàng cây ấy trụ vững qua cơn bão số 9 dữ dội của năm 2009 là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của sự đồng thuận lòng người, cho những việc làm có ý nghĩa hướng về tương lai. Việc xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường cũng là câu chuyện thần thoại. Thầy Trương Quang Thạnh với những chuyến đi bất tận của thầy đã tranh thủ được rất nhiều… Từ 12 phòng học năm học 2001-2002 ba năm sau, chúng tôi đã có 17 phòng học, có phòng thư viện, có hàng chục máy vi tính, có nhà hiệu bộ, đặc biệt nhờ sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh, của Bảo hiểm xã hội chúng tôi đã xây xong hệ thống tường rào bao quanh trường. Nhờ vậy, việc quản lí trật tự, nề nếp ra vào của học sinh ngày càng đi vào ổn định.
Những thành công ban đầu dẫu chưa thật đầy tay nhưng lại có giá trị lớn lao, cổ vũ con người đi xa hơn nữa. Từ đây, tập thể chúng tôi hình như đã thấy gương mặt của nhà trường thấp thoáng ở phía trước. Những hoạt động chuyên môn được đẩy mạnh hơn nữa. Chúng tôi được khích lệ, được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc soạn bài, dự giờ, thao giảng. Các buổi sinh hoạt chuyyên môn như: đố vui để học, hội nghị học tốt, thuyết trình văn học, góp ý chuyên môn được thực hiện đều đặn, có chất lượng. Đặc biệt, nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo luôn có ý thúc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để tạo sự hứng khởi trong học tập cho học sinh… nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Tất cả những nổ lực ấy của nhiều thế hệ thầy cô giáo kể cả lực lượng hợp đồng và thỉnh giảng, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các em về con đường tiếp thu tri thức khoa học. Rồi kế họach dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém ngay từ đầu đã cho thấy sự đúng đắn của nó. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước, có năm xếp ở tốp đầu của khối ngoài công lập. Bên cạnh đó chúng tôi cũng gặt hái được những thành tích nổi bậc qua các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao. Những đội việt dã, điền kinh, bóng chuyền của các em học sinh trong năm học 2001-2002, 2003-2004, 2004-2005 đem đến cho toàn trường không khí ngất ngây của chiến thắng. Và vui sao những ngày tháng thầy trò cùng nhau biểu diễn văn nghệ. Những đêm ấy thầy trò chúng tôi đẹp lắm. Sân trường tràn ngập ánh sáng, tràn ngập người chen nhau mua vé vào cửa. Những tiếng kháo nhau “hết vé bán rồi!” được truyền nhau trong đêm như thông điệp của một niềm hạnh phúc không sao ngăn nổi. Chúng tôi hát say sưa trong sự vỗ tay của quần chúng. Chúng tôi múa trong lời trầm trồ ngợi khen của những người dân quê- những người chỉ mới đây thôi xem chúng tôi như những người khách lạ. Danh sách những tấm lòng vàng dài thêm trong những đêm diễn. Nhờ đó mà hội Khuyến học của nhà trường có được nguồn học bổng dồi dào dành cho học sinh nghèo của nhà trường qua từng năm học, nhận được lời ngợi khen quí giá từ những phụ huynh khó tính nhất. Chúng tôi và cả các em học sinh nữa đã làm được một điều kì diệu: Những định kiến về một trường hệ bán công đã được giảm thiểu trong câu chuyện bên lề cuộc sống, của những người chưa thật công bằng đối với trường.
Ở trường THPT Bán Công Núi thành chừng ấy chặng đường chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều những khuôn mặt - những khuôn mặt làm nên diện mạo cho kí ức của một ngôi trường. Một thầy Trương Quang Thạnh với gương mặt khắc khổ nhưng cương nghị, giàu tình thương, lúc nào cũng nhiệt tình trong mọi cuộc chơi với câu nói nổi tiếng: “cuộc chơi nào cũng tiếp tục!”. Thầy Nguyễn Quang Trung chính xác đến từng con số nhưng độ lượng với những sai sót ngớ ngẫn của những thầy cô giáo trẻ. Thầy Lê Khắc Tâm với nụ cười lặng lẽ, ẩn chứa một sức mạnh nội tâm. Thầy Nguyễn Đức Độ tài hoa với những nét vẽ như “rồng bay, phượng múa” trên những tấm áp-phích cổ động các phong trào của thanh niên… Một Thầy Lê Kiện với giọng giảng bài thật khỏe và những câu chuyện đùa tếu bất tận trong trí tưởng tượng mênh mông của thầy. Và còn nhiều, nhiều nữa…. Đôi khi là gương mặt của những thầy cô thỉnh giảng mà chúng tôi chưa kịp siết chặt bàn tay thân ái đã vội chia xa vì điều kiện khách quan, chủ quan và vì cả những hệ lụy cuộc đời. Bất chợt dừng chân ở văn phòng Đoàn trường, nhìn những gương mặt rạng rỡ của các thầy cô trên những tấm ảnh: cô Nở, cô Kha, cô Linh, cô Nga, cô Ngọc Anh, cô Như, thầy Định, thầy Dương, Thầy Phong, thầy Tuấn, thầy Thảo…chúng tôi không khỏi bồi hồi trong một niềm thương mến và nuối tiếc của một tình yêu chưa nói thành lời…..
Trong năm học 2007-2008 và 2008-2009 chúng tôi có hai cuộc chia tay quan trọng. Trước hết là chia tay Thầy Nguyễn Đức Độ- người thầy đáng kính- người có mặt ngay những ngày đầu tiên trường thành lập, thuộc thế hệ giáo viên “Lưu Dung” đã đến tuổi về hưu. Đối với trường chúng tôi lúc đó, thật sự là mất mát về tinh thần. Những nét vẽ tài hoa, những lời dặn dò ân cần của thầy dành cho thế hệ chúng tôi là những tình cảm đẹp. Có lẽ giờ đây, ở một nơi mô tê nào của xứ Huế, thầy vẫn còn rong ruổi với những việc làm ý nghĩa cuối cùng cùng với gia đình, thầy đâu biết mình đã để lại cho chúng tôi những kinh nghiệm quí giá về giáo dục nhân cách học trò. Tiếp theo là cuộc chia tay với thầy Trương Quang Thạnh - Hiệu trưởng nhà trường đầu năm học 2008- 2009 về đơn vị công tác mới. Thầy là người dám sống hết mình với niềm tin hồn nhiên về lẽ công bằng của cuộc đời. Đã có những giọt nước mắt nóng hổi trên gương mặt của những đồng đội thân yêu năm xưa dành cho thầy trong phút chia tay. Những giọt nước mắt xúc động thật sự tự thân đã chứng minh cho những lẽ huyền diệu của cuộc đời- cho người thầy đã dám sống hết mình để lẽ sống vì tình thương hiện hữu. Chúng tôi biết, thầy có những điều chưa nói hết, bởi lòng thầy lúc nào cũng bận rộn với những lo toan về trường, về lớp. Nhưng thầy hãy tin chúng tôi, vì chúng tôi đã hiểu và yêu những câu chuyện cổ tích thầy đã để lại nơi đây.
Bây giờ trừờng THPT Bán công Núi Thành đã mang một tên gọi mới: Trường THPT Nguyễn Huệ. Chúng tôi vui mừng trước sự có mặt của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Từ, Thầy hiệu phó hoạt động ngoài giờ Lương Minh Vương trong năm học 2008-2009. Tên gọi của trường cũng lấp lánh mơ ước của cả hội đồng sư phạm vào tương lai. Đội ngũ chúng tôi đã đông đủ rồi đó: 63 cán bộ, giáo viên công nhân viên và sẽ còn được tiếp tục bổ sung trong tương lai gần. Bên cạnh những thầy cô giáo thật sự trẻ trung, yêu nghề, còn có những thầy cô giáo giàu kinh nghiệm thực tiễn và năng lực chuyên môn vững vàng. Bên cạnh những giáo viên cơ hữu, còn nhiều thầy cô hợp đồng đã nhiều năm gắn bó, chia sẻ cùng chúng tôi. Trong số đó, có thầy cô đang theo học cao học. Số lượng học sinh qua mười năm cũng tăng lên đáng kể: với gần tròn hai nghìn học sinh. Cơ sở vật chất của trường qua mười năm đầu tư dẫu chưa thật hoàn thiện, cũng đủ cho chúng tôi mạnh mẽ, quyết đoán hơn trong những dự định mang tầm chiến lược của mình.
Nhìn lại chặng đường mười năm đi qua, với những gặt hái ban đầu như thế, và nhất là với một đội ngũ quản lí, các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường như hiện tại, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vững chắc vào sự đột phá về mọi mặt của nhà trường, đúng như chúng tôi đã từng cam kết với nhau trong biên bản, trong những đồng thuận thậm lặng nhưng đầy chắc chắn- ở những cuộc họp Hội đồng gần đây nhất...
Ngoài kia, những bông phượng cuối cùng của mùa hè 2009-2010 nở lên những sắc màu huy hoàng của thiên nhiên, như một lời báo hiệu sáng lạng cho ngôi trường mang tên vị anh hùng Nguyễn Huệ chắp cánh bay xa……
Tháng 04 năm 2010